Lịch sử Hoàng_Việt_luật_lệ

Vua Gia Long sau khi lên ngôi để có cơ sở về luật pháp, lệnh cho Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu dựa vào Đại Thanh luật lệ và Luật Hồng Đức làm cơ sở soạn bộ luật cho triều Nguyễn có tên gọi là Hoàng Việt luật lệ (còn được gọi là Luật Gia Long), gồm 22 quyển và 398 điều[1] sau đó vua Gia Long cho ban hành chính thức vào năm 1815. Bộ luật này gần như lấy nguyên mẫu là luật nhà Thanh[2] Trong 398 điều thì chỉ có 2 điều là rút từ Quốc triều Hình luật thời Hậu Lê, vài chục điều luật khác biệt chút ít về từ ngữ so với luật của nhà Thanh, các điều luật còn lại đều sao chép lại nguyên xi tên gọi lẫn nội dung kể cả các tiểu chú của các điều luật trong “Đại Thanh luật lệ”[3]

Giống như “Đại Thanh luật lệ”, Hoàng Việt luật lệ ngoài quyển đầu là mục lục các điều luật, bảng (hay đồ), thể lệ về phục tang, diễn giải thuật ngữ, các quyển còn lại được chia thành 6 thể loại, tương ứng với việc của 6 bộ: Lại, Bộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Ngoài ra, cách trình bày in ấn của“Hoàng Việt luật lệ” cũng giống với bộ luật nhà Thanh. Một số điều luật trong “Hoàng Việt luật lệ” đã lược bỏ, thay đổi một số tiểu tiết của luật nhà Thanh cho phù hợp với cách gọi tại Việt Nam (Một số điều luật thay đổi đơn vị hành chính "tỉnh" của Trung Quốc thành "doanh, trấn" của Việt Nam, chức danh lý trưởng của Trung Quốc bằng xã trưởng của Việt Nam).

Hoàng Việt luật lệ được sử dụng trong suốt thời nhà Nguyễn rồi dùng tiếp ở Trung Kỳ trong thời Thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam[4].